Để phát triển du lịch Đà Lạt, Chính phủ đã khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt – một trong hai tuyến đường sắt độc đáo trên thế giới, chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam.
Sau nhiều năm bị xóa sổ, mới đây Chính phủ đã cho phép khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt. Theo dự án được phê duyệt, tuyến đường sắt này dài 84 km đi qua 14 ga, sẽ được xây dựng trong 9 năm từ cuối năm 2007 đến năm 2015.
Năm 1928, đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt được đưa vào khai thác, mở ra cánh cửa lớn nối liền Đà Lạt với miền Trung và nhanh chóng làm thành phố nhỏ bé thay đổi diện mạo.
Nhiều công trình lớn của Đà Lạt như nhà ga, khách sạn Palace, trường Grand Lycée (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm) được xây dựng ngay sau đó. Thời kỳ cao điểm, đã có 14 đầu máy hoạt động chở khách và hàng trên tuyến này.
Tuy nhiên từ năm 1968, tuyến đường sắt này đã ngừng khai thác. Do không đầu tư, bảo quản nên tuyến đường sắt này đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Năm 1986, ngành Đường sắt tiến hành tháo dỡ ray, tà vẹt để phục vụ sửa chữa thông tuyến đường sắt Thống nhất. Đây không phải là lý do chính để xóa sổ đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt, mà là do lúc đó chúng ta không có được tầm nhìn xa.
Hiện tại chỉ có đoạn đường 7 km từ Đà Lạt đến Trại Mát được khôi phục để chạy ô tô ray động cơ diesel kéo đoàn xe khách khổ 1 m phục vụ khách du lịch. Hàng ngày có 4 chuyến tàu chở 15-20 khách/chuyến. Lượng khách đông hơn vào dịp tết, lễ, hè.
Theo quy hoạch mới do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT lập, tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt sẽ được khôi phục trên cơ sở tuyến cũ với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây.
Vốn đầu tư cho việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ được huy động theo hình thức BOT. Đón bắt cơ hội lớn, nhiều nhà đầu tư thuộc hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận đã xin được góp vốn cùng khôi phục tuyến đường sắt này. Theo đó, tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt sẽ được xây dựng mới với khổ đường 1m, dài 84 km nối liền hai tỉnh Ninh Thuận- Lâm Đồng.
Toàn tuyến có 5 hầm, 46 cầu với 14 ga, đặc biệt trong đó có 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km vượt đèo có độ dốc 120 phần nghìn. Dự kiến tổng kinh phí khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là 5000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ cuối năm 2007 đến 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Đáp ứng yêu cầu của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, ngày 30-8-2007, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2667/QĐ-BGTVT phê duyệt đưa dự án này vào danh mục dự án đầu tư theo hình thức BOT và bổ sung vào Quyết định 06/2002-CP phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải đường sắt đến năm 2010.
Dự kiến đến năm 2015 tuyến đường sắt này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy hoạt động vận tải khách và du lịch giữa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đây là một tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phát triển du lịch vùng cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt còn là điều kiện để VN đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho quần thể di tích của ngành hỏa xa Việt Nam.
Theo đề án của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT, tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt sẽ được xây dựng mới với khổ đường 1m, dài 84 km đi qua 5 hầm, 6 cầu, 14 ga. Tốc độ cao nhất 70km/h, thấp nhất 35km/h.
Thông tin trên tuyến sẽ dùng cáp quang và tổng đài điện tử số, tín hiệu bán tự động. Toa xe dùng trên tuyến sẽ là toa xe ghế ngồi hoặc giường nằm có điều hòa không khí, toa xe hàng sẽ dùng loại xe không mui để chở quặng và các loại hàng hóa cồng kềnh.
Nhà ga, nhà xưởng và các công trình kiến trúc được xây dựng vĩnh cửu phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. Một khi tuyến đường sắt này được khôi phục, Đà Lạt có thêm một đòn bẩy để thu hút khách quốc tế, trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực.